Càng tư nhân hóa, ngân hàng càng dễ sinh lời
Nhận định trên vừa được đưa ra trong cuốn Kỷ yếu của Diễn đàn kinh tế mùa xuân diễn ra sáng nay (28/4). Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia đứng đầu là Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo nhóm tác giả, khả năng sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của các ngân hàng Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh bởi mức độ tập trung sở hữu và có quan hệ cùng chiều.
|
Việc các cổ đông lớn trực tiếp quản trị ngân hàng sẽ đẩy mạnh khả năng tạo lợi nhuận cho các nhà băng. Ảnh minh họa: Anh Quân.
|
"Điều này hoàn toàn có thể giải thích được khi 5 cổ đông lớn nhất là những người tham gia Hội đồng quản trị (HĐQT), mâu thuẫn lợi ích giữa chủ sở hữu và người điều hành sẽ không còn. Do vậy, HĐQT có quyền ảnh hưởng lớn đến các quyết định kinh doanh, đảm bảo theo đuổi mục tiêu tăng lợi nhuận", nhóm chuyên gia cho biết.
Tương tự như ROA, khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi mức độ tập trung vốn sau khi nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu về tỷ lệ sở hữu tư nhân, nợ xấu và năng lực quản trị. 3 nhân tố này đều giải thích đến hơn 70% sự thay đổi của ROE."Trong bối cảnh tái cơ cấu các ngân hàng hiện nay, năng lực quản trị công ty với vai trò của HĐQT, cổ đông và sự minh bạch sẽ có tác động tích cực đến khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu", bản kỷ yếu trích nhận định của các tác giả.
Trao đổi với VnExpress, một chuyên gia tài chính từng trực tiếp tham gia điều hành ngân hàng tư nhân chia sẻ, chỉ cần các cổ đông, những ông chủ của ngân hàng có chung tiếng nói, các quyết định của ban điều hành đưa ra cũng dễ "thông" hơn và khả năng tạo lợi nhuận sẽ dễ hơn. Đây cũng là lý do vị này tỏ ra ủng hộ một vài thương vụ mua bán sáp nhập gần đây giữa một số ngân hàng.
Như trường hợp của Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) sáp nhập vào Sài Gòn Thương Tin (Sacombank) hay Ngân hàng Mekong về với Hàng hải (Maritime Bank). “Đây đều là những đơn vị có dáng dấp chung cổ đông, chủ sở hữu. Một khi các cổ đông đã chấp nhận ngồi lại với nhau, quy về một mối thì những rủi ro cho ngân hàng sẽ không còn nhiều”, một chuyên gia của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết.
Cũng tại Diễn đàn kinh tế Mùa xuân lần này, PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn và nhóm nghiên cứu cho rằng cần tăng tỷ lệ sở hữu tư nhân trong các nhà băng, kể cả những ngân hàng quốc doanh đã cổ phần hóa. Hiện các ngân hàng như Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngoại thương (VCB) và Công Thương (Viettinbank), dù đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ sở hữu tư nhân chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ. "Khuyến khích tư nhân nắm giữ cổ phần tại các ngân hàng này sẽ thúc đẩy gia tăng khả năng sinh lời", chuyên gia này cho biết.
Tỷ trọng vốn Nhà nước ở 3 ngân hàng quốc doanh đã cổ phần hiện nay
Ngân hàng |
Tỷ lệ |
BIDV |
95,2% |
Vietcombank |
77,11% |
Vietinbank |
64,46% |
Chia sẻ với các cổ đông gần đây, bản thân ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT BIDV cũng cho rằng, cá nhân ông thấy không nhất thiết phải duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng cao như hiện nay. Ông chia sẻ bản thân từng đề xuất tỷ lệ vốn Nhà nước sở hữu ở các ngân hàng quốc doanh chỉ cần khoảng 51%.
Tuy nhiên, tại Nghị quyết của Chính phủ mới ban hành gần đây về giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn phải duy trì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ ít nhất 65%. Riêng trường hợp Vietinbank, nhà băng này là đơn vị duy nhất được phép bán hơn 35% vốn nhà nước cho tư nhân. Trên thực tế, tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại Vietinbank đã dưới 65% sau khi có sự tham gia của đối tác chiến lược Nhật Bản Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU).
Thanh Thanh Lan