|
Ông Lee Joon-seok, thuyền trưởng phà Sewol. Ảnh: Reuters.
|
Trong những tình huống nhất định, như trường hợp Sewol gặp phải, các phà chở xe hơi thường bị lật một cách nhanh chóng. Với những con phà có cấu tạo như vậy, năng lực của thủy thủ đoàn trong việc nhanh chóng sơ tán hành khách, hoặc ít nhất là tập trung họ lại trên boong để sẵn sàng rời tàu, trong trường hợp xảy ra sự cố, là rất quan trọng.
Trên thực tế, thuyền trưởng phà Sewol, ông Lee Joon-seok, vẫn trì hoãn việc sơ tán trong ít nhất nửa giờ từ khi con phà bắt đầu lật. Hơn 470 hành khách, phần lớn là học sinh trên đường đi dã ngoại, lúc đầu được yêu cầu ở yên tại chỗ.
"Giá như thuyền trưởng không nói gì với hành khách, họ sẽ lên boong tàu để kiểm tra xem chuyện gì đang xảy ra", và như vậy bước quyết định trong việc sơ tán có thể đã được thực thi, Mario Vittone, cựu thanh tra và điều tra tai nạn hàng hải thuộc lực lượng tuần duyên Mỹ, nói. "Thà họ đừng ra lệnh gì cho hành khách, tình hình đã đỡ tồi tệ hơn.
Ông Lee có khoảng 40 năm kinh nghiệm đi biển, bao gồm cả phà và tàu chở hàng. Hãng tin Yonhap dẫn lời đại diện công ty Chonghaejin Marine, nơi Lee làm việc, cho biết thuyền trưởng 69 tuổi này có 8 năm kinh nghiệm lái phà trên tuyến từ thành phố Incheon, gần thủ đô Seoul, tới đảo Jeju ở phía nam.
Oh Yong-seok, một thuyền viên trong nhóm của Lee, nói rằng ông Lee làm việc trên phà khoảng 10 ngày mỗi tháng.
Sau khi bị bắt giữ với cáo buộc sơ suất trong lúc lái phà và bỏ mặc người bị nạn hôm 19/4, thuyền trưởng Lee lên tiếng xin lỗi vì "gây ra một sự xáo trộn" nhưng vẫn bảo vệ quyết định cho hành khách ngồi đợi khi tàu đang nghiêng.
"Lúc đó, dòng nước rất mạnh, nước biển lạnh. Tôi nghĩ rằng, nếu mọi người rời phà mà không phán đoán (đúng), nếu họ không mặc áo phao, và dù có mặc áo phao đi nữa, họ sẽ bị cuốn đi và phải đối mặt với nhiều khó khăn khác nữa", Lee nói. "Các tàu cứu hộ lúc đó chưa đến và cũng không có tàu ngư dân hay tàu nào khác ở gần".
Vittone và Thad Allen, cựu chỉ huy lực lượng tuần duyên Mỹ, cho rằng lời giải thích đã trên bỏ sót một vấn đề quan trọng. Thuyền trưởng có thể yêu cầu hành khách lên boong cho dù không chắc chắn sẽ sơ tán họ khỏi phà. Allen nêu rõ có hai việc cần phải làm đồng thời lúc đó. "Cố gắng cứu phà, đồng thời giảm thiệt hại về người bằng cách chuẩn bị cho hành khách rời phà", Allen viết.
Ông Vittone phân tích rằng việc sơ tán có thể kèm rủi ro, nhưng việc đưa hành khách về những "điểm tập trung", khu vực mà thủy thủ đoàn xác định trong buổi diễn tập an toàn từ trước, thì hoàn toàn an toàn. Từ những khu vực này, thuyền viên có thể đảm bảo được hành khách đã mặc áo phao hay chưa rồi hướng dẫn mọi người tới các lối thoát khẩn cấp.
"Ông ấy có thể thay đổi mệnh lệnh nếu phà thôi chìm", Vittone viết. "Tình huống xấu nhất khi đó sẽ chỉ là các hành khách phải chịu bất tiện vì phải đứng trên boong vài phút".
"Việc tập trung hành khách lại rất quan trọng bởi cuối cùng sẽ có lệnh sơ tán và mọi người cần phải được chuẩn bị sẵn sàng", Len Roueche, CEO của Interferry, hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp phà trên thế giới, nói. Ông cảm thấy khó hiểu khi thuyền trưởng phà Sewol không yêu cầu hành khách di chuyển về các điểm tập trung.
"Hiệu ứng mặt thoáng"
|
Hình ảnh mô tả sự mất cân bằng do "hiệu ứng mặt thoáng" gây ra, trong đó trường hợp (C) ổn định hơn do được chia thành nhiều ngăn. Đồ họa: maritime.org.
|
Nhà chức trách hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến phà Sewol chìm. Tuy nhiên, những con phà chở theo xe hơi có thể bị lật nhanh chóng bởi "hiệu ứng mặt thoáng". Theo đó, khi nước tràn vào khoang chở ô tô, những vật dễ lăn theo dòng nước (với phà Sewol là các xe hơi), sẽ dồn về một phía và khiến tàu bị nghiêng nhanh chóng. Với loại phà mà khoang gần mặt nước được chia thành nhiều ngăn, vấn đề được giảm thiểu hơn nhiều.
Sau hai vụ chìm tàu ở châu Âu, gồm phà Herald of Free Enterprise năm 1987 và tàu Estonia năm 1994, làm hơn 1.000 người thiệt mạng, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã nghiên cứu các lỗ hổng trong thiết kế cũng như tìm phương án sơ tán tốt nhất đối với các phà chở ô tô.
Những thay đổi, bao gồm lối thoát thuận lợi hơn và yêu cầu phân tích cách sơ tán trong quá trình thiết kế, được áp dụng với những con tàu mới đóng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, phà Sewol được đóng vào năm 1994 nên nó chưa có những thay đổi này.
Thủy thủ đoàn trên phà chở theo ô tô nên hiểu rằng, một khi con phà mất thăng bằng, việc nhanh chóng sơ tán hành khách là vấn đề cần thiết, các chuyên gia hàng hải nhận định.
Viện nghiên cứu Tàu và Kỹ thuật Hàng hải Hàn Quốc từng nhắc đến vấn đề trong quá trình sơ tán hành khách trong một nghiên cứu năm 2003. Nguyên nhân là hành khách không quen với các lối đi hẹp và phức tạp, "họ bối rối trong lúc chọn lối thoát. Điều này khiến thời gian sơ tán bị trì hoãn và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng", tác giả nghiên cứu viết.
Nghiên cứu còn cho biết dù trong tình trạng thuận lợi, việc sơ tán trong thực tiễn vẫn chậm hơn rất nhiều so với tính toán. Năm 1995, một tàu hai thân cao tốc bị nghiêng khi nó đang ở trên eo biển Manche. Quá trình sơ tán 308 hành khách lúc đó mất hơn một giờ dù biển lặng và vào ban ngày. Trong khi đó, quá trình sơ tán trong buổi diễn tập trước đó chỉ mất 8 phút.
|
Thông tin chi tiết về phà Sewol. Nguồn: Yonhap/AP/Reuters.
|
Theo quy định của Liên Hợp Quốc, thủy thủ đoàn phải diễn tập sơ tán ít nhất hai tháng một lần. Tuy nhiên, phà Sewol không đi lại giữa các quốc gia nên nó chỉ cần tuân theo các quy định của Hàn Quốc.
Các đơn vị vận hành tàu được yêu cầu phải có quy định trong xử lý tình huống khẩn cấp, Kim Jae-in, người phát ngôn lực lượng tuần duyên Hàn Quốc nói, nhưng ông không biết liệu Chonghaejin Marine có quy định nào như vậy không. Yonhap cho biết hãng tin nhận được bản quy định của Chonghaejin Marine và phát hiện thủy thủ đoàn phà Sewol đã không tuân theo một số mục nhất định, trong đó có việc chỉ định người chịu trách nhiệm chăm sóc hành khách bị thương cũng như triển khai xuồng cứu sinh.
Hàn Quốc yêu cầu thường xuyên có những buổi tập huấn cho thuyền viên, đồng thời hành khách cần được thông báo ngắn gọn về vấn đề an toàn trước khi lên tàu. Theo Luật Thủy thủ, đăng tải trên website Bộ Tư pháp Hàn Quốc, thuyền trưởng "không được phép rời tàu cho đến khi toàn bộ hàng hóa được dỡ xong hoặc toàn bộ hành khách xuống tàu", và "phải làm hết sức có thể để cứu người, tàu cũng như hàng hóa trong tình huống khẩn cấp".
Allen, cựu chỉ huy lực lượng tuần duyên Mỹ, cho rằng trong trường hợp tình huống vượt ngoài khả năng cứu hộ, thủy thủy đoàn cần chuyển từ cứu tàu sang cứu hành khách.
"Nếu có thể, thuyền trưởng phải làm cho tàu ổn định lại, và đó là điều tốt nhất ông ấy có thể làm cho cả con tàu lẫn hành khách", Allen nói. "Nhưng ngay khi nào họ biết con tàu trở nên nguy ngập rồi, họ phải lập tức đưa hành khách lên xuồng phao cứu sinh".
Như Tâm (theo AP)